TRAN XUAN AN - THO NHUNG MUA HUONG

26.11.05

THƠ NHỮNG MÙA HƯƠNG



TRẦN XUÂN AN

THƠ NHỮNG MÙA HƯƠNG


tập thơ thứ chín
nhiều bài đã đăng báo, in trong vài tuyển thơ
& in vi tính nguyên tập một số bản để tặng bạn bè
(Inrasara, Võ Văn Luyến, Phan Văn Quang, Võ Thìn, Hàn Nguyệt, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Đông Nhật, Cao Quảng Văn ...)

THÁNG HAI
MỘT CHÍN CHÍN TÁM

Xin truy cập thêm :
http://tacphamtranxuanangiaodiem.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/



tập thơ này
trân trọng và thân mến đề tặng
bao trái tim cõi người
cùng những nàng hương của thơ tôi
ở đâu đó trong đất trời
hình như chưa từng có thật.

TXA.
tháng hai,
một chín chín tám.







Phần một
THƠ DÂNG TÌNH YÊU.
VÀ YÊU EM NHƯ ĐẤT TRỜI





THƠ NGỎ

run lên trước tiếng hát tuyệt vời
hoàng hôn yêu thương
thơ ca hồng hào hừng đông
rựng sáng
thoang thoảng hương
cùng những hương
thơ ca bổi hổi rồi buồn

hương cành lan nâu ơi
em vẫn hương bảng lảng
hương mưa hương sen hương trăng
và đắng
hương lan mùa thu
hương tuyết, và suông!
và vời vợi hương ngôi nhà xóm vắng
và phảng phất thôi
hương đào ánh sương

trong tôi, trái tim đắm say xưa sau cõi sống
cũng thoang thoảng hương quả chín bâng quơ
mãi chưa phai mưa nhạt nắng
dâng đời, thơ hát tặng!
sá gì niềm riêng ngu ngơ!
sao một tôi lẻ loi lẳng lặng
nhặt lại những mùa hương
xa khuất tự bao giờ!



HƯƠNG,
NGƯỜI MẪU CỦA TRANH BẰNG CHỮ

nâng niu niềm thoang thoảng hương
giữa phố ngầu sôi bụi bặm
hoa cơ hồ từ xưa thẳm
chênh vênh đời ta, duyên thơ

đôi khi thèm thoáng ngây ngô
hiện thắm lòng hoài rối rắm
chớp sáng lung liêng tình cờ
nhành lan nâu, sao bâng quơ

ta mỉm cười ta ngu ngơ
chân lạc bao mùa gót bẫm
rừng chữ muôn đời gai rậm
bỗng lan, xinh sững sờ, hương!

đôi khi khát nỗi sương sương
tình chay, em như rượu ngấm
dung tha giùm gã vô lương
đánh cắp trời xanh chút hương!

rất em gái, ngọt đời thường
ta thương rất thơ, say đắm
lan treo lồng ngực, đẫm mơ
trái tim trổ biếc bao giờ.

05.12.1997


CÙNG QUẢNG TRỊ DẠO CHƠI
BA MƯƠI SÁU PHỐ PHƯỜNG 1

cuốn tròn bảy sắc cầu vồng
thành phim
em tặng người không quen này
ba mươi sáu phố xưa gầy
bên nhau cho đó và đây chung hình

em ngoan, Hà Nội rất tình
những tên mộc mạc nối mình vào ta
nôm na mượt giọng lụa là
khác hương khói một quê nhà cũng thân

em ngoan, mới gặp nửa lần
làng thi ca, xa là gần, phải không
liều ra Hà Nội lông bông
ơn Quảng Trị đưa đi rong đỡ buồn

chớp xong ba sáu phố phường
thừa hai kiểu?
thiếu con đường Hàng Thơ
ngắm cô Hàng Sách, ngẩn ngơ
tâm hồn thi sĩ bây giờ bụi phơi!

theo em, vọng tiếng à ơi
lần ca dao, quẫy chèo ngời Văn Chương 2
kết phim ai bấm giùm luôn
thử duyên may, có nhoà sương nhạt hình?

và đâu Hàng Cát lung linh
quê xương rồng đoá thuỷ tinh hoa đời
phim chưa dám tráng để coi
em pha lê, ngại chói trời thủ đô!

ngoan ngoan đáo để mộng mơ
Ba Phi chạm Trạng ơ ờ Quỳnh em 3
hư vô vẫn cười giòn thêm
phố ba-bảy-rưỡi, trắng thêm tấm này?

Hà Nội, 02 và 05.3.1997
Tp. HCM., 10.4.1997

1. Ngày xưa, chỉ có ba mươi sáu phố cổ. Về sau, từng thời kì, mọc thêm một số phố, cũng được đặt tên bằng các sản vật hàng hoá (trên 43 phố). Hàng Thơ và Hàng Cát, hai tên phố này tác giả tự đặt thêm để diễn đạt tứ thơ.
2. Một hồ nước có tên là Văn Chương.
3. Ba Phi, Trạng Quỳnh, tên riêng, hai nhân vật văn học dân gian.



MỘT QUÃNG THÁI HÀ

rét tháng giêng Hà Nội mịn mưa sương
thả bước suốt ban mai chưa ướt áo
bay ngàn tia nắng bay bay, huyền ảo
xóm bãi rác ơi, đường Thái Hà nghiêng

ngỡ nghiêng nghiêng bao dòng chữ nét duyên
đọc vô ngôn trên đất trời lóng lánh
cầu ván nhỏ, ghềnh, kênh không đen quánh
mùi bùn sình, mạch đất bẩn, thoáng phai

ban mai bãi rác bâng khuâng hương lài
phải lài chăng? Mượt xanh ngời trắng muốt
hoa góc vườn nhà quen, đằm và khướt
say, anh say, anh bảng lảng, nơi này

tháng giêng Hà Nội, hồn tịnh thơ chay
mùa chay tịnh rất đời ! Cơ hồ nắng
hình như mưa! Chẳng cách nào câm lặng
làm sao thật, đành mơ, xóm Liều* ơi

ma rượu ngốc, khùng nơi anh đi rồi
nắng thoảng ấm tình, mưa khôn, ngoan thế
chắp tay ơn em, cười từ giã nhé
trời đất nghiêng mình, anh nghiêng mình, yêu …

Hà Nội, 03.3.1997

* Tên của xóm dân cư …


CHÉN TRĂNG NGỌT

với lên trăng sáng, người không thể
trăng đi, lại cùng người theo nhau

~ Lí Bạch – Bả tửu, vấn nguyệt ~


rượu sương, sáng lát cam dầm
gần còn tỉnh, sao say ngầm khi xa
óng hương bồ kết đàn bà
thắt tim, ngọn tóc quê nhà, chưa hay

vào Nam ngất lịm rồi đây
ngả nghiêng dòng chữ ngủ ngày ngấm men
gỡ từng nét bút mượt đen
tâm anh phơi trước ngọn đèn vết thương

lời em, ngô hạt ngậm đường
rang ngực anh, nỗi vô thường giòn tan
nhạc em, mía mật bạt ngàn
nốt si, bầm vết nồng nàn son tươi

trót mê nét đất chất người
trăng bay bảy bổng cũng mười mươi mê
anh thao thiết quá chân quê
niềm sông đón bóng em về xanh mơ

thấm yêu, đổ dại bao giờ
hồn hoài cuối tháng đâu ngờ tròn trăng
tháo thơ làm chỉ, vút căng
mộng du, té ngửa, cầm bằng níu hương!

lời em, ủ nắng hai phương
rót tràn vàng núi biếc phường trong anh
nhạc em, phù sa ngọt lành
từ trời tuôn ánh dỗ dành đêm say

thơ anh không với tới mây
bứt râu nối sợi, sợi gầy héo khô
lạnh vầng trăng mãi lửng lơ
anh ngu muội vẫn hư vô vọng tình!

Tp. HCM., 28.4.1997
(22.3.Đinh sửu).


TAM KỲ, 1996

Tam Kỳ, trời rất thơ ca
thoáng mưa non hạt cho già nắng non
phố phường gió rất trẻ con
reo mai ríu rít hát giòn tan đêm

cây Tam Kỳ rất anh em
chìa trăm nhánh biếc bao thềm nhà thân
nghe bối rối trước ân cần
như có lỗi giữa vô ngần mến thương!

mắt Tam Kỳ rất thật gương
tôi soi thấy thuở đến trường, bâng khuâng
bạn bè trẻ lại, quây quần
ngỡ đang mới lớn, lớn dần trong nhau!

Tam Kỳ, hồn rất hương ngâu
tình thơm sương sớm xưa sau ngọt hoài
tôi về tóc đã chớm phai
cúi đầu bên bến sông dài, thời gian …

07.1996



MƯA CHIỀU
HẸN
VỚI MÙI HƯƠNG LAN ĐẤT

nét lan Bình Định say người
anh nao nức tuổi hai mươi không mùa
hẹn đến giờ, chỉ gặp mưa!
thơ anh ướt gió và thừa thãi anh

gọi dây, nghe giọng còn xanh
tình chưa đủ chín cho đành dầm mưa?
mặc anh môi đắng mắt chua
hững hờ xa vọng, như bùa, ngấm sao!

tắt niềm thắc thỏm nôn nao
ngỡ trời lạnh nhạt trút vào, khói cay
vẫn khờ mơ ngọt nắng say
bên nhau ngày ủ lời đầy mật hương

anh nhìn mưa mấy ngả đường
trái tim người nữ nghìn phương mịt mùng
ngoan em, trang giấy muôn trùng
ô li bạt rối niềm cùng quẫn yêu!

02.11.1997


LỜI CÂY PHỐ THỊ

phập phồng theo giông phố
yêu ngát xanh thật lòng
đâu đủ che mưa khổ
ướt đời em đâu nỡ!

toan đổ trong tình vỡ
xẻ đời anh làm gỗ?
độc mộc cổ tích hồng?
sợ hoá rều long đong!

phút vĩnh cửu tình ngông
vút lên cây phận số
chút duyên mong thành nợ
đừng mục vào hư không.

19.12.1997


VỚI CÔ GÁI HOA CHƯNG RƯỢU CẤT

tặng nhau cái gặp bất ngờ
mung lung hẹn, những sáng chờ, những mai
thơm từng cuộc điện, vắn, dài
trắng khuya nắng nhớ, vơi, phai, hanh vàng

hương bâng khuâng suốt tuần, lan
hoa phố biển, miền tháp ngàn xưa, xa
vào đây, em ngan ngát ta
nhịp thơ, hơi thở, lục và bát ru

niềm trông ngóng – tím nỗi tù
bủa vây một trái tim ngu một mình
thời gian gõ búa đợi tình
bất ngờ em đến, lung linh, ngoan hiền

bù ta xinh nụ cười duyên
tóc nghiêng hội quán (chưa riêng trưa này!)
cô con gái rượu, không cay
đền ta chiều hẹn, ngọt đầy gió sông.

28.11.1997


CÁT TRẮNG ĐẤT NÂU

quê hương quê hương là nơi đâu
mẹ rơi em bên dấu chân trâu
cơn sinh nở vặn mình đường làng quằn quại
tiếng khóc ban sơ ướt mưa tím tái
một đời khát nắng mênh mang đồng sâu

quê hương quê hương là nơi đâu
mẹ rơi em bên rơm rạ ấm màu
tơ trời rụng, trắng cỏ nhàu, giăng mắc
hơi thở ban sơ tình cờ nhuốm nhạc
một đời gắng xanh
khúc đàn ai
thuở nọ trắng phau

quê hương quê hương là nơi đâu
mẹ ủ em nhờ tay ai sạm nâu
bếp đỏ và mái tranh ai
như trái tim trong áo nghèo chằm vá
ánh nhìn ban sơ tròn xoe xứ lạ
một đời cố tìm chỗ thầy mẹ gặp nhau

quê hương quê hương là nơi đâu
người chọn được chăng vàng son dinh lầu
người chọn được chăng lũy tre đùm bọc
nào ai chọn được mẹ cha, nào ai
chọn được thời non đến úa tóc
thì sinh lại đời nhau trong đáy mắt nhau!

13.12.1997



BỐN NHÁNH HOA SINH NHẬT

tặng ngày tượng hình,
ngày sinh,
ngày đến nhà trẻ,
ngày vào đời, và …


thân mến ơi, có thể
ba mẹ đã chọn cho em
một ngày sinh
tháng cuối đông ấm nồng than lửa
một quê hương nghìn năm trữ tình
Hà Nội!
nao nao bao nụ đào hoà bình
Hà Nội!
mênh mông, ngong ngóng mùa mai vàng
mới mẻ thênh thang, thẳm sâu xưa cổ
vẫn nâng niu tiếng khóc bé ngoan
vang giòn trong nghìn năm trí nhớ

thương quá ngày em tạ ơn ba mẹ mình
thuở hai người trầm tư
hoài thai một phận số
ngày em tượng hình, hạt hồng chín đỏ
rất thiêng liêng
phút khởi đầu một Con Người

ngày đến nhà trẻ, cưng quý ơi
cũng là sinh nhật em tôi
nơi dịu dàng tiếng nhạc ru hời
ba mẹ lại sinh em,
từ bảo mẫu hiền lành,
hồng vành nôi nhỏ
có thể em khóc bàng hoàng lọ lem rất ngộ!

và ngỡ ngàng có thể nước mắt rơi:
lần thứ tư, ba mẹ sinh em, năm rồi
từ nhân hậu thầy cô mắt nhìn tươi mở
từ bạn bè tin yêu mến mộ
với cả tấm lòng rạng ngời
cũng chính em tự hào, duyên xinh ơi
em sinh em vào vòng tay cuộc đời

không phải mùa đông Hà Nội gió bấc
quê ngoại yêu dấu xa vời?
không phải Quy Nhơn mưa phùn xanh hạt
sóng biển dạt dào tuổi nhỏ xa xôi?
hay Quảng Ngãi quê cha ngọt ngào mạch đất?
có thể rất hồng nắng Sài Gòn tháng chạp?
lần thứ năm tạo nên một đời người
không ràng buộc nào có thể
ngoài hương tình mật nghĩa
em tự chọn lấy thôi
quê xứ của trái tim và nụ cười
ngày trầu cau, rượu yêu muối gừng nhẫn cưới!

hôm nay anh chỉ tặng em, yêu thương
bốn nhánh hoa mừng tuổi
lung linh hai mươi ba đoá hương
nhánh hạnh phúc kia, trái tim là thiên đường
bao nụ tình bừng lên từ đắm đuối
hạnh phúc ngát thơm cả vụn vặt đời thường
đến rưng nước mắt
tình không hề nguội
chỉ riêng trái tim em biết ở nơi nào!

29.12.1997
(30.11 Đinh sủu).



THOÁNG CHIỀU HÔM
BÊN ĐƯỜNG THANH NIÊN

gần hai mươi hai năm
chiều đầu tiên, Hà Nội!
rét tháng giêng sương khói
ngân nhoà chuông thu không

tiếng sáo nào mênh mông
Hiên Xanh trải trắng lòng?
mùa Xuân Hương, Trúc Bạch
Nhà Trăng Xưa? Gò hoang? 1

vết móng bò cội lan
hoá bướm bay thành lá
pha tím dâu – tháp lạ –
bông hoàng hậu Tấm ngời? 2

cô bán chiếu gon ơi
xanh xưa mười bảy tuổi
tình hoa râm vọng nuối
nọc ngọt tim người hùng? 3

tiếng chuông như kiếm vung
chùa thành đồn Giữ Nước 4
trong cung, sau và trước
tham si, điệp và trùng

dấu hỏi quyện chập chùng
Lê Quan Âm giam đói …
công nên thù, Ức Trai!
triều, Tố Như khó nói …

Chiêu Lì thầm gọi ai
trăng trời vỡ, trăng nước
vỡ! Cuồng trung, thở dài
chuếnh choáng, dốc cạn chai? 5

thương, mừng, len u hoài
hồn kinh đô vời vợi
sử, không là người dưng
máu cội Hồng bổi hổi 6

lắng đêm, bước ngập ngừng
buốt gió, chẳng quay lưng
Hồ Tây ơi, thế đó
em đẹp đến lạ lùng

khuya, huyền thoại mung lung
quá vô cùng Hà Nội
nghìn xa, nghìn xưa hỡi
mới thoáng gặp. Rưng rưng …

Hà Nội, 01.03.1997
Tp. HCM., 18.03.1997

1. Thanh Hiên: hiệu của Nguyễn Du. Trúc Bạch, tên một hồ nước ở cạnh Hồ Tây. Cổ Nguyệt đường của Hồ Xuân Hương cũng ở ven hồ ấy. Đoạn này, nhắc đến Độc Tiểu Thanh kí.
2. Hoa “móng bò” còn có tên chữ là “hoàng hậu”. Hoàng hậu Ỷ Lan được nhân dân gọi là cô Tấm, thờ và tôn xưng là Quan Aâm. Bà vốn là họ Lê.
3. Một sự tích hoang đường hoá: mối tình Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Thị Lộ có thời gian bán chiếu gon ven Hồ Tây.
4. Chùa Trấn Quốc, Ỷ Lan nhiều lần đến lễ chùa này.
5. Phạm Thái với Chiến tụng Tây Hồ phú, bút chiến với Nguyễn Huy Lượng và những ai cộng tác với Quang Trung.
6. Hồng Bàng.




TAM KỲ,
ĐƯỜNG ĐÊ VÀNG HOA SƯA *

thoảng trong lại quãng thơ xưa
dòng sông hai lăm năm trước
hương sưa, tuổi nào mắt ngước
trải đầy vàng bước, như mưa
ngàn hoa thuở đó, gió lùa
về đâu

cành sưa cắm rễ bắc cầu
chân đi chơi vơi bóng nắng
níu chút niềm riêng hụt hẫng!
tóc bạn chưa ngả úa màu
xanh bên mây trắng trôi mau
sông nhoà

cuối hạ đã tắt mùa hoa
cồn cát cỏ tràn năm tháng
chấp chới đường đê, lấp loáng
lá sưa thắp nhớ chói loà
tiếng ve vẳng nuối, vỡ oà
lặng trưa …

07.1996

* Sưa: một loài hoa có tên là “Sưa”. Thật ra, vào mùa hè hoa nở rất dày, và cây cùng loại cũng có thể mọc gần nhau. Đứng đằng xa, thấy cả một dãy cây nở hoa vàng rực, tươi sáng, hầu như che kín hết lá cành.


XIN SỢ HÃI NIỀM CAY CHUA

thì bao giờ anh cũng là người tình
đánh đổi mồ hôi thắm ngời tim
cho mộng tưởng
đời chưa hết tuổi trưa, đôi khi chiều xuống
bật cười chính anh, héo khô đứa trẻ bị lừa

nàng thơ xinh xinh từng hạt mưa
vỡ khát vọng anh, lúc thành đạn ngọc
nàng thơ dạy gã làm thơ biết ngốc
trước nét duyên, anh học mãi đến khờ

chết mấy kiếp rồi, sống lại chút bồng bềnh mơ
anh vẫn người tình hát thơ rất đời rất gió
rất rằm trăng, rất bâng khuâng hoa cỏ
rất người, bởi rất hương yêu, đằm say

nhức xe hồn hỡi đôi môi bỗng chốc ớt cay
anh chẳng thích kham trò đùa ghen hận
anh, người tình khát dòng đời,
âu lo hạn hán
ai kia,
đừng vẫy vào thơ đũa phù thuỷ mưa đen

nàng thơ toả muôn hạt ánh sáng trong anh,
đọng lại ngọn đèn
bao trang thơ lung linh bóng ảo
ảo rất thật, cái thật dám đâu ngơ ngáo
xin thắp lên vì nhau,
vì tình ca trung hậu dâng đời

nhưng lẽ nào thơ hoài chơi vơi
mộng tưởng cứ chân thành hơn đời thực
trái ngọt tin yêu
vút khỏi nát chua
dưới đáy sâu ngờ vực
bùn đêm thôi sũng tình ca,
khát vọng dâng đời.

11.12.1997



BUỒN CƯỜI
VỚI NHỮNG SỢI TÓC RÂU
MÀU KHÓI

phải lòng nhánh tình xanh
thấm ngộ niềm chớm bạc
tuổi nồng đâu đã nhạt
đừng đau mùa trăng thanh

ánh trăng xưa phơ phất
cỏ tương tư tập tành
say bâng khuâng, ngây ngất
lục bát cũng thác gành

khói trắng ngỡ rễ tranh
đâm luồn qua tim lành
khối tình không mục nát
quyết vùi trong ngực đất

khói thuốc lá ngút ngát
hai lăm năm tự hành
thôi vương cay và ngạt
ám vàng vào thơ anh

chén đời lại thơm chanh
hồn nhiên trông, ngọt mắt
ngún cháy đời sao đành
khói ủ bệnh, quẩn quanh

tuổi bốn mươi, anh thoát
khói tương tư huyền hoặc
anh buồn cười, ngơ ngác
phải lòng nhánh tình xanh

em, ngàn hoa mong manh
ướp giùm nhau khúc hát
hương giùm nhau long lanh
nỗi long lanh trong vắt.

14.12.1997



VIẾT SAU TẤM ẢNH HỒ GƯƠM

tựa lưng vào dĩ vãng đời mình
mây trắng
tựa lưng vào Tháp Bút nghìn năm
vút thẳng
em rất đỗi quê nhà
và vô cùng Hà Nội
mai nay

bóng đỉnh tháp nghiêng vào Đài Nghiên
đọng nắng
viết bài thơ hoa lên mùa non cỏ cây
viết vào tương lai
và vô cùng trang thơ em
sâu lắng

xin chấm vào nửa trái tim tôi,
buốt đắng
bằng ngón tay ngọn bút thon dài
viết vào từng gợn sóng khói bay
và vô cùng trưa gió đang say
dòng chữ màu áo em
đỏ thắm.

Hà Nội, 06.03.1997


TẢN BỘ QUA CẦU CHƯƠNG DƯƠNG

sông Hồng chảy ấm tháng giêng
nguyên màu hừng đông sóng nước
gió nâng lâng lâng thả bước
nắng trưa óng ngọt phù sa
hồn mênh mông trong bao la
tôi về đứng giữa nguồn xa thơ mình

ngang đâu, Hồng thành tâm linh
câu lượn ngược xuôi quan họ 1
trống đồng âm vang núi Đọ 2
vỗ sóng trầm hùng biển đông
thiêng liêng vai địu nách bồng
dấu bùn choãi ngón chân không, đôi bờ

bãi cồn, Hồng vun xanh ngô
Long Biên lung liêng liền khúc
ngỡ mây quàng vai kịp lúc
ô hay! Chớp mắt, sững im
đất trời và em, vào tim
bạt ngàn thăm thẳm nổi chìm vạn năm

sông Hồng đón mình ra thăm
em bận, không dưng trĩu nhớ
đen mượt tóc hương, áo đỏ
ảo thị, xinh từ vô cùng 3
thơ tôi trải tận mung lung
ơn duyên thầm ngát muôn trùng sử thi.

Hà Nội, 05.3.1997
Tp. HCM., 08.4.1997

1. Lượn (Tày), quan họ (Kinh): 2 loại dân ca đối đáp giữa trai và gái.
2. Núi Đọ (Thanh Hoá): nơi các nhà khảo cổ phát hiện được di chỉ người Việt cổ.
3. Ảo thị: cái nhìn đinh ninh là thật về ảnh ảo trước mắt. Ở đây, chỉ là một cách nói tu từ.




NHỮNG LÀN HƯƠNG

I. HƯƠNG VÀ MỘT THỜI

mùa cỏ thơm bâng khuâng hương chiều xưa
ngọn cỏ giêng hai tím ngát đôi bờ
lòng sông thoảng thoáng nắng vàng ngày đó
hoài đượm tình em, lấp lánh tiếng thơ.

II. HƯƠNG XANH

của tình yêu con đường xanh hai hàng cây
nơi mỗi bước chân đi mỗi thấm vào lòng
bao mùi hương quen thuộc ấy
hôm nào đứng đầu đường trông tới
cũng thấy hương, hương ngợp cả lòng mình.

1985 & 1978.



PHƯỢNG CỦA HAI NGƯỜI

hoa nóng bỏng cả vòm lửa hạ
cây run lên cành lá rập rờn
phượng nhập hồn hai người tình tự
đỏ nụ hôn trên tóc xanh hơn.

1990.



ĐẾN VỚI NHỮNG NGÀY THÁNG
TRONG LÀNH

rối rắm những gì không thuộc về tình ta
quên đi, đừng nhớ
quên hết bụi bặm lẫn vào hơi thở
hãy tìm đến nhau!
yêu, đôi khi là quên

tất cả có thể chỉ ngậm ngùi tạm bợ
cát bụi ngậm ngùi!
tình thơ cõi thơ
không thể vùi quên!
vì trái tim trăm năm nghìn năm phải thở

không phải dễ mục nát
như ngai vàng kinh đô ngai đen tỉnh nhỏ
anh mời em lên mênh mông ngai gió
bên bờ sông thơ
không bao giờ lãng quên
nơi trái tim thênh thang hơi thở.

31.12.1997




CHIỀU GHÉ THĂM BÀI THƠ ĐÔNG HÀ

xây phố bằng chữ và phấn trắng
mực xanh vườn, biếc cảng, non tươi –
ngợp giữa Bài thơ Đông Hà ngát
hai mươi năm nhớ thuở hai mươi

gió nắng xưa vàng hương giấy báo
trải trang xuân trên đất đỏ sân
vờ mù chữ nhờ cô giáo đọc
hai ngón tay dìu nhau rất vần

về hơi vội chưa lên đồi cũ
ngắm Bài thơ Đông Hà cùng em
đâu rồi lán thợ xanh màu áo
bạc chái hè ngồi viết sờn đêm

chờ bạn đang bày bàn dọn quán
cháo bột thơm ruốc, ném, quê nhà 1
mảnh vườn, tràm, chổi, sim, làm kiểng
thi pháp cỏ cây, chiều dân ca

ngỡ nhan sắc trút vào sách báo
nàng thơ dạy học vẫn học trò
dăm tráng sĩ mài đời thành bút
chẳng gầy đi, tâm huyết không khô

trà Phường Năm ngà ga thị xã
ngoài phố khuya đèn vi vút xe
lại gặp tài hoa xinh, ngọt thắm
tiếng Cam Lộ, rưng mắt anh the 2

thân chào Bài thơ Đông Hà nhé
xa quê lâu quá thoảng ghé thăm
tuổi ngông mơ chữ là vôi vữa
giọng đài ngâm lấm bụi vọng thầm.

Đông Hà, 28. 02. 1997
Tp. HCM., 26.04.1997 (20.3 Đinh sửu).

1. Cháo bột: cháo bánh canh.
2. Cam Lộ: sương ngọt.
The: cảm giác cay, thơm, tê dịu của vỏ cam.



MẸ LÀ CÕI ĐỜI

Người mẹ đích thực của mỗi người
chính là cõi đời.

Nhân Ngày Tình yêu, thương mến tặng những Trương Chi – Mị Nương, những Chử Đồng Tử – Tiên Dung, những Liang – Bian, những đôi lứa không tên phải “tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) * hoặc phải bi thảm như Chăm – Bà-ni **…


đứa con ra đời
như chiếc lá tàn rụng khỏi mẹ
để đón nhận cả vòm trời
rồi hoá thành đất đai
tự biến thành màu mỡ
và qua mẹ, chỉ là mẹ thôi
màu mỡ biến thành hoa tươi
và trên bàn tay mẹ,
chỉ trên bàn tay mẹ
hoa sẽ thành quả
cho dù nhỏ nhoi

ơn mẹ là cõi đời
cho lá khát vọng tự đổi thay số phận
khốc liệt sự chống lại niềm-bi-thảm-nghìn-đời
cho dẫu màu xanh lá thắm
chưa ngắt khỏi cành tươi
cho dù nhỏ nhoi
quả vẫn muốn khởi đầu là lá
tự sinh nở kiếp đời
giữa cõi đời, giữa cõi đời giông gió
mẹ ơi, mẹ ơi
thệ hệ muốn vượt lên bao cơn vật vã
nhưng vòm trời
mưa mãi niềm đau khôn nguôi!
bật khóc
sống còn là sự giằng co khốc liệt
với chính mình và cuộc đời
để thành Con Người
đứa con bật khóc
mẹ ơi mẹ ơi.

Tháng 7 – tháng 9.1984.

* Xống chụ xon xao: tên nguyên bản trường ca “Tiễn dặn người yêu” của đồng bào nhân tộc Thái vùng Tây Bắc nước ta.
** Chăm – Bà-ni (Cam – Bini): trường ca cổ của nhân tộc Chăm, viết về mối tình bi thảm của một đôi trai gái, Chăm Bà-la-môn (Cam), còn gọi là Bà Chăm, và Chăm Hồi giáo cũ, còn gọi là Bà Ni (Bini).




HƯƠNG PHỐ CŨ

tìm về với hương phố cũ
hương thoảng gần
hương thoảng mờ xa
hương, hương, vẫn là hương
ngày đó
thất lạc nhau rồi,
sao hương chẳng phôi pha!

cúi xuống lòng mình, khát khao và lo sợ
hương năm nào lại lả xuống tình ta
suốt một đời hoài công phân vân lớ ngớ
phố xưa ơi,
chỉ còn chăng
hương kỉ niệm
thiết tha!

03.02.1986
(24.12 Ất sủu).




RẤT TẾT, MÙA TRẺ THƠ

mùa đang vàng ngát nắng, trời phương nam
đất hồng hoa, hương ngàn năm, tháng Tết
mãi mê chữ, cỗi gốc anh, lá chết
áo xuân gió lùa, vướng biếc ấu thơ

đãi anh làm trẻ con, vàng nắng thết
tóc loáng thoáng sương, đâu phải, tơ trời
không, xin giũ hết thu đông làng cũ
đâu cũ quê hương, đây lại xanh đời

anh lon ton, phố mai vàng, xuân ơi
ríu tiếng chim, mứt ngọt giọng, thơm hơi
cao vút, chạm đoá phong lan, nốt nhạc
tròn bong bóng bay, chỉ níu tay người

anh bỗng sợ nỗi buồn, chồi trổ ngạt
lo âu niềm người lớn, hồn nhiên cằn
đau trong cái giật mình, thơ trĩu nợ
tim bay lơ lửng về trời, vỡ tan

hoa pháo * nở giàn xanh, dưa hấu đỏ
xuân nhập thân anh, anh hoá thân mình
câu đối Tết, Tết nắng vàng tuổi nhỏ
trăm năm, trăm lần tấm bé, lung linh.

1996.

* Hoa pháo: tên một loài hoa, còn gọi là hoa mặt trời.




CÓ PHẢI KẺ LÀM THƠ TÌNH NGỚ NGẨN

đôi bài lãng mạn kia, em cứ đọc xem
cái không thật ngoài đời,
lại thật trong hồn anh đó
và sâu kín trong em,
nhiều điều em chưa thấy rõ
chỉ một mình anh nhìn ra thôi!

18 – 21.9.1990.



Phần hai
NHỮNG TÌNH THƠ THUỞ ĐÓ



THƯA NGỎ VỀ MỘT MÙA HƯƠNG THƠ CŨ

tuổi mười bảy
con ốc mượn hồn
làm thơ cho người lớn
họ bạc đầu
vì trắc trở yêu nhau
và yêu nhau lúc trót bạc đầu!

bao câu chữ bụi thời gian vùi cũ
giấy trắng úa vàng, mực biếc nguyên màu!
chưa nửa cuối tuổi bốn mươi, ngoảnh lại
lốc xoáy niềm cổ xưa – vực xoáy trời sâu

tấm lòng và chút tình
riêng một giọng thơ, khẽ hát?
ý thơ và tứ thơ, loé sáng trên nhàm nhạt?
có lúc nào cũ trơ?
thơ Nôm cổ! Dịch lại hồn Nguyễn Trãi
bằng chất trong veo ngôn từ Việt bây giờ
thay những chữ chết rồi, Người sống lại
năm trăm năm, nguyên nỗi thật niềm mơ
sắc đỏ trái tim xưa sau mới mãi?
con ốc mượn hồn tuổi hoài mười bảy
vẫn nỗi đời xoáy lốc không ngờ?
dẫu bụi thời gian cuộn xoáy.





THÁNG NGÀY

ngân nga nguyệt rụng dốc dài
tôi già nua với tháng ngày tương tư

đường đi gió lốc bụi mù
bụi chiêm bao toả ra từ đắm say

chim bay tự trái tim này
lê thê mấy dặm đường mây tìm người

vàng thu vàng cả đời tôi
hững hờ, em chải tóc soi trăng tròn

vi vu, tiếng sáo ngợp hồn
đêm em rồi sẽ chập chờn xót cay

ngân nga nguyệt rụng vàng bay
em già nua với tháng ngày kiêu sa!

ăn năn, rượu ngấm la đà
khẩn cầu em, em mãi là trăng xưa.

1973.




MƯA CAO NGUYÊN

chiều hôm nay trời mưa thênh thang
em mang áo ấm và khăn quàng
cài nghiêng vành nguyệt trên rừng tóc
với đoá nhài hương thoảng rất ngoan

chiều hôm nay trời mưa mênh mông
em dạo phố và má em hồng
cơ hồ gió núi về trêu áo
anh ngấm niềm cách quãng như sông

chiều hôm nay cao nguyên mưa phùn
mưa ngàn xa mưa xuống tay run
anh yêu mưa nhưng lo gió rét
anh yêu em nhưng sợ rồi buồn

chiều hôm nay trời mưa mang mang
trong nhà thuê nhìn em, mơ màng
đau hẫng lòng, thương mình gốc ruộng
bên em, thêm quê kệch tồi tàn

chiều hôm nay cao nguyên tím mưa
hàng thông xanh vi vút hơi mờ
anh co ro trong làn áo mỏng
nhả khói thuốc, hỏi thầm em đi xa chưa?

1973.




NGHE KHÔNG
NGƯỜI TÌNH NHỎ
BÊN KIA HẢI VÂN,
ĐÃ XA

xanh chăng vườn cỏ bên tê
chiều em xoã tóc thương về ban mai
bên ni, mùa sáng thu phai
mất nhau gió thoảng u hoài rưng rưng
giờ vàng úa lạnh vô cùng
mai sau đời đổi không chừng xanh non

vườn ơi sương đọng trắng hồn
nhớ đôi mắt trót tím hơn sợi dài
qua cầu nắng xế, nghiêng vai
chân lê chầm chậm cho ngày chậm theo
bên tê, sợ phố thành đèo
bờ tương lai hỡi còn heo hút đời?

Huế – Đà Nẵng,
1973.



SAO TÍM

xa xa xóm nhỏ mờ sương
trời cao, nơi có nỗi buồn riêng tôi
làm thơ thả suối lưng đồi
cô em thôn nữ mỉm cười, sao bay

sao mơ màng giữa ngàn mây
chợt mưa rơi xuống lạnh dày nhân gian
mưa, mưa, tôi rụng bàng hoàng
ước đời vẫn rất thiên đàng là em.

1973.




THU THÀNH NỘI

đầu thu xoã nắng ngang vai
trang nghiêm lối cỏ dấu hài em qua
bay bay từng giọt sương ngà
đêm mơ tôi khóc bài ca sầu người
bướm vàng hay lá vàng rơi
em đi nhẹ nhé, hồn tôi mơ màng
mênh mông hương thoảng mang mang
bên thành quách cổ nắng vàng xa xưa
thu sang em tuổi giao mùa
lòng tôi đã lạnh cơn mưa chưa về.

1973.




MƯA THU

mây mùa thu qua nhà anh
nằm nghe mưa gõ cầm canh xa người
mái nào chim gọi tàn hơi
rụng trên anh những tiếng rời, nát tan

mưa mùa thu đẫm lá vàng
em đi để lại nỗi tàn tạ anh
mưa rơi nhanh mưa rơi nhanh
mưa rơi nhanh rơi muôn cành, rưng rưng

gió vi vút thổi chập chùng
thổi rưng rức nỗi vô cùng, xót xa
anh nằm tê lạnh tha ma
mưa mùa thu mục dần dà thân anh.

1973.



TÌNH MƯA

xin thoáng mưa về trên lối xưa
cho vai thục nữ buốt sầu mơ
và tôi ngong ngóng ai tan học
nhớ nhau se lạnh mùa tương tư

nghe chăng, chân nai khua rừng mây
mắt xưa tôi thả mờ sương bay
chiêm bao bướm trắng cài lên tóc
guốc lá vàng thu em đến “ai”?

tôi cũng tìm “ai” trong xóm em
mưa chiều ơi, ướt ngọn cỏ hiền
nghe như gió lật hàng khuy áo
áo mỏng mà trời rét vô biên

mưa xưa, mưa bốn mùa ngọt cay
đường thênh thang và buồn thơ ngây
hai năm, vạn cổ, đôi tay trắng
mộng du, tôi ngủ suốt đêm ngày.

1973.




LÁ VÀ SÔNG

năm xưa bên phố ban trưa
tóc em bay mượt, sầu đưa tôi về

lá vàng gối cỏ nằm nghe
tôi vàng úa ngó mây che bóng đèo

níu bờ mặc bão xoáy vèo
nhìn sông sóng giạt cụm bèo vui, quên

ba năm, lòng lạnh vô biên
ngoảnh ra, mây chắn trắng triền Hải Vân.

1973.


THU NGOAN

mùa thu qua vườn cây
lá vàng im nghe bước
sương lam chiều dang tay
nhặt giùm em chiếc lược

em mỉm cười khoe tóc
chim trời bay khen xinh
bướm tung chùm hương phấn
tay làm duyên che nhanh

mùa thu nón mây vàng
nghiêng bờ vai rất ngoan
đôi chim xin ghé hót
em chỉ đường lên trăng

vạt áo dài ướp gió
cho nắng nhuộm ngời thêm
cành không quên goá bụa
vui mừng thay áo đen

mùa thu mắt nai hiền
suối tỏ tình trông lên
mơ hồ em thấy nhớ
một người tình không tên

vân vê vàng lá cỏ
đâu tấm tình thênh thang
mơ hồ em thấy nhớ
nghe chiều đi mênh mang.

1973.



THƠ XA NGƯỜI

năm này tháng sáu quên mưa
đường đi bụi đỏ nắng lùa mắt tôi
về nơi xứ lạ thương người
đồi thông hắt nắng rã rời vàng bay

tình ngây thơ lá ngủ ngày
ai bay bay áo chân mây chiều chiều
đêm đêm sương sáng cô liêu
ướt vai tôi cánh sáo diều thê lương

tôi nghe lời cỏ đưa đường
lang thang vào núi ra trường lơ ngơ
khuya cầm bút lá sầu mơ
nghiêng tờ ảo mộng làm thơ xa người.

1973.



CHUYẾN TÀU MÙA THU

tàu đi nát dạ non ngàn
chim ngơ ngác gọi lá vàng chào thu
gió trườn vách đá vi vu
rơi dăm giọt lệ cây ru thều thào
sương đồi cao cuộn đồi cao
chim non cắn lưỡi bổ nhào động hoang
suối trôi ra biển mơ màng
vờ quên xác chết vầng trăng bập bềnh
song song đường sắt chênh vênh
tàu e hụt bước bồng bềnh trong sương.

1973.


PHƯỢNG MÙA THU ĐẠI NỘI

nắng hạ phai màu trên áo thu
cô em vào nội chơi sương mù
có nghe nỗi buốt cành phượng lửa
rũ tàn mới lạnh gió tương tư!

tình ta trót già, tim bạc nhăn
mắt mòn oan uổng, chết bao lần
chiều nay vuốt mặt bên dòng tóc
bỗng thấy mê đời muôn dối gian

ô kìa! Chim nhỏ chuyền trên cành
biếc dấu chân in ngời rêu xanh
chữ yêu chữ nhớ – thơ ta đó
cô em chớp mắt cười ngoan lành

ta mơ từ sương ta bước ra
cầm tay cô em tròn trắng ngà
ta thương ta khóc hồn nhiên quá
thêu nhoà giọt lệ áo thơm hoa

hồn ta bây giờ hay sương đây
sương dâng sương ngát sương toả dày
cô em kì ảo mơ hồ lắm
xin bủa vây tình, sợ gió bay

ô kìa! Bươm bướm phất phơ quanh
ngoắt đôi cánh trắng, ngày đừng nhanh
nhưng xua tất cả và tất cả
còn ta, cô em và nội thành

nắng hạ đời ta phai sang thu
cô em vào nội đùa sương mù
nghe chăng phượng lửa ăn năn hát
bạc đầu, mới gặp em!
Giá như …

1973.






Phần phụ lục
NHỮNG KỈ NIỆM VĂN NGHỆ




TRẦN XUÂN AN
& HÁT VỚI ĐỜI ƠI THƯƠNG MẾN

Bốn mươi tuổi, gốc Quảng Trị nhưng sinh tại Huế.
Tập thơ đầu tay của Trần Xuân An xuất hiện khá trễ, khi đã ngoài ba mươi. Nhưng anh có sức sáng tạo thật phong phú. Trong vòng 5 năm qua, Trần Xuân An đã ấn hành 6 tập thơ. Tập thơ đầu Nắng và mưa (Hội VHNT. Quảng Trị, 1991) đã được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu khá trang trọng. Tập thơ mới nhất của Trần Xuân An, Hát với đời ơi thương mến (Nxb. Trẻ, 7.96) gồm 53 bài thơ với nhịp thơ khá mới.
Từ Nắng và mưa đến Hát với đời ơi thương mến, Trần Xuân An đã đi một bước khá dài.

PHẠM CHU SA
(Báo Thanh niên Chủ nhật,
số 136 [924], 25.8.1996).

NHƯ MỘT KHÚC HÁT VỚI ĐỜI

Trong tập thơ thứ hai, dù đã trải nghiệm mình qua những “lạnh buốt sương mù”, những “không bến không bờ” của cuộc hành trình chạm mặt với hư vô, Trần Xuân An vẫn giữ được tấm lòng
”nắng mưa không héo nụ cười
cúi xin lưu lạc trọn đời nhớ quê”.
Có lẽ đó là điều may mắn của anh: phước cho những ai có một quê nhà để mà sống với, sống cùng, dù đó là quê hương tâm tưởng của những “tháng ngày xa rất mộng du”, như lời tự thú trong Lặng lẽ ở phố, tập thơ thứ tư của anh.
Đấy là điểm ra đi và đích về, bởi Trần Xuân An đã tự Hát chiêu hồn mình, đã nhận mình là Kẻ bị ném vào bão, nhưng cuối cùng, anh khẳng định, khúc ca của nhà thơ là Hát với đời ơi thương mến (Nxb. Trẻ, 1996). Sự trở về ấy đã xuất hiện như một sự tự vượt thắng trong quá trình loại bỏ ra khỏi bản thân, mỗi ngày một ít, cái chất nô lệ [có tính phổ quát] của con-người-bé-nhỏ [nói chung, trên cõi đời], như cách nói của A. Tsékhov. Như thế, quê hương của miền đất nắng khô và gió giòn Quảng Trị của anh đã trở thành những quê hương. Đến đây, con-người-bé-nhỏ đã thoát ra khỏi những thúc phược [thúc phọc: trói buộc] để đạt đến cái nghĩa NGƯỜI, ở một bình diện trí tuệ hơn, và do đó, cũng SỐNG hơn (bởi luôn luôn trong dòng chày của cuộc tồn sinh, có biết bao kẻ sống-đó-mà-đã-chết-rồi).
Tôi không muốn nói thêm về thấp thoáng những suy niệm siêu hình mà Trần Xuân An dường như muốn tìm kiếm, lí giải trong tập thơ thứ sáu này của anh. Chỉ xin chúc anh mãi mãi sống với thơ trong mối tình
”trôi trôi biêng biếc ngọt ngào
em nơi nơi, man mác, xao xuyến và…”
Và đó là hạnh phúc của những người làm thơ chân chính. Như một nỗi buồn trong sáng.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
(Báo Doanh Nghiệp,
số 21.8 – 27.8.1996).


HÁT VỚI ĐỜI ƠI THƯƠNG MẾN

Trần Xuân An làm thơ và thơ Trần Xuân An khởi đầu là những giọt nước trong veo chắt chiu từ ruột đất quê nhà. Lớn lên anh cùng với bạn bè cuốn theo cuộc lữ hành số phận để đến lúc ngoảnh lại, nỗi hồi cố cồn cào, dồn sâu thương mến ngọt ngào thấm đẫm tình người trong thơ anh.
“Hát với đời ơi thương mến”, tập thơ thứ 6 của Trần Xuân An, đã thoát ra khỏi giãi bày buồn vui kiếp người vốn không dễ suôn sẻ và không gặp nỗi đau nào.
Cuộc đời vô thường, mà nghiệm chứng được điều đó thì việc gì tự làm khổ mình; và hiển nhiên, khát vọng vươn tới chóng mặt lí giải sự hiện hữu mỗi cá-thể-con-người trong dòng sống cuộn chảy. Trong bi kịch có lạc quan, dù sao đời vẫn đáng yêu, bởi nhựa đời không ngừng lưu chuyển cho cây đời đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái và trở lại gieo mầm sống. Có lẽ vì thế mà từ trầm tư mặc tưởng “Lặng lẽ ở phố” (1) đến những phút “Tôi vẫn ở trên đường” (2) và bây giờ bỗng cất tiếng “Hát với đời ơi thương mến” (3) chăng?
Lần đọc những bài thơ, theo dõi những chạm khắc ngôn ngữ của An trên trang giấy, ta bắt gặp không ít những hoài niệm và suy tưởng về một thời và muôn thuở. Với anh, cuộc sống mang gương mặt tình yêu, nếu tìm tới một lẽ sống tích cực, đồng thời với nó là không chấp nhận sự dụ dẫn ma mị trong “thú đau thương” không ích gì hoặc giả tạo. Anh “nhìn thẳng” đồng nghĩa với nói thẳng mà thật khẽ thật dễ thương:
”đánh thức dậy đánh thức dậy đi em
và gọi đúng tên khát vọng tuổi học trò
hãy thôi gương mặt muộn phiền hờ hững
ném vỡ cái vô hồn bằng sáp dưới hừng đông”
(Nhìn thẳng)
Trần Xuân An tâm niệm “không thể chạy trốn hư vô thì phải vượt thắng”. Điều dó không loại trừ vai trò mỗi chủ thể sáng tạo. Người làm thơ băn khoăn nhưng ở đấy đã có lời giải:
”lẽ nào thơ là trò đùa ma quỷ
dắt nhau hoàn lương giữa cõi đời chung?”
(Trải nghiệm)
Ở cái tuổi “tứ thập bất hoặc”, cùng yêu tin và thuỷ chung với thơ từ hơn 20 năm nay, anh đã chín nhiều trong cách cảm, cách nghĩ. Dù đi xa nhưng lòng vẫn luôn đi về nơi chôn nhau cắt rốn. Đấy là lúc tình cảm câu thúc để có được những câu thơ dung dị, thật lòng mà thấm thía, cảm động:
”nơi cho giọng nói chưa pha phách
chốn yêu thưong, về bỗng khóc ròng”
(Tặng một người)
Rồi ra, dòng sông cuộc đời không ngừøng chảy. Trần Xuân An như tôi biết, anh đi nhiều (đã khép lại một thời ốc đảo, nằm đọc sách và chiêm nghiệm). Cái sự đi của con người ta cũng có 1.001 lí do, mục đích. An thì muốn làm “hành giả của tình yêu” và nhờ thế, tâm hồn thăng hoa bất ngờ và đầy thú vị:
”giữa đồng bằng của hồn anh
đột ngột em, vút cao xanh núi tình”
(Với những hành giả của tình yêu)
Bằng tình yêu, thi sĩ tin vào khả năng hoá hiện mầu nhiệm của niềm hi vọng:
”hát tin đáy rác bùn nhơ
mầm sen sẽ ngát câu hò, hương ngân”
(Hát lên với mỗi đời thường toả sáng)
Vâng, “còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây” (ca dao). Từ lòng đời anh hát, từ bấy đến giờ.
Không phải ngẫu nhiên, với sự dồn nén, đã đến lúc anh cho ra đời liên tục 6 tập thơ và dự định một trường ca dài hơi. Càng không phải là chuyện số lượng mà còn là vấn đề chất lượng. Điều đó đáng để chúng ta quan tâm và suy nghĩ về bút lực của cây thơ dồi dào sức sáng tạo.

1,2,3: tên các tập thơ của Trần Xuân An.

VÕ VĂN LUYẾN
(Báo Quảng Trị,
số ngày 13.5.1997).


QUÊ NHÀ YÊU DẤU
Trường ca, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 1998.

Thực ra, đây là 26 khúc thơ riêng lẻ mà Trần Xuân An xâu chuỗi để thành một trường ca về quê nhà yêu dấu của mình với bóng dáng thân yêu của những người cha, những người mẹ, những người em, của bao người anh đã gặp trên bước đường phiêu du đầy hoài niệm. Ở đó, mỗi con người đều rạng rỡ một nụ cười hiền thơm thảo, biết giấu nỗi đau riêng của mình để tìm về quê nhà cơ cực, lầm than, về với miền gió Lào, cát trắng:
"ca dao phương Nam ru hời giọng Trung
mẹ ru em thuở xa xăm bé bỏng
ngày xưa ngày xửa
mù sương vợi vời
em lại ru con theo nhịp đưa nôi …"
Viết về người mẹ, Trần Xuân An có những câu thơ lạ lùng buốt nhói:
"cơn mưa rào tháng hạ
bừng nắng nung và gió bỏng
con trơ vơ khóc mẹ
để thắp được nén nhang
con phải đào tay xuống cát ướt
lửa bùng lên cháy hết nửa rồi
như đời người cơ cực"
Trần Xuân An làm thơ có nghề, biết tiết chế trong từng câu, từng chữ, và với sự liên tưởng phong phú, với cảm xúc chân thành của mình, anh đã chạm được mối giao hoà cùng bạn đọc:
”tạ ơn quê nhà còn mảnh đất để chôn …”.

TRẦN NHẬT THU
(Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM.,
số 37 – 98, 15 – 21.10.1998).


Nhà thơ – nhà giáo
TRẦN XUÂN AN

LÊ HOÀNG ANH
phỏng vấn

1. Xin anh cho biết, thơ “trẻ” bây giờ có gì mới?

- Thơ của những nhà thơ trẻ, hai mươi đến ba mươi tuổi, mới và lạ hẳn so với thơ của lớp nhà thơ trước đó: Mới lạ về đối tượng quan tâm, cảm xúc thẩm mĩ, ngôn từ, kết cấu và nhạc điệu. Với mối quan tâm chung về số phận, tâm hồn và tâm linh, trong một bối cảnh đổi mới, họ vẫn có cách cảm nghĩ và cách nói khác với các thế hệ khác hiện sống và làm việc với họ. Nhưng dẫu sao vẫn không thể có một đột biến như Thơ Mới được. Mọi nguồn thơ Đông và Tây đều gặp nhau cả rồi trong suốt thế kỉ này. Cái mà thơ trẻ có thể nhắm tới là bề sâu hơn là bề ngoài, dẫu bề ngoài của thơ cũng quan trọng. Nhưng còn phải chờ. Hiện nay chưa thấy. Họ chỉ chú ý đến bề ngoài của thi pháp.

2. Riêng anh có gì thay đổi trong thơ?

- Viết, phải mỗi ngày mỗi mới.Tôi cũng được một số nhà thơ quen biết xếp vào loại “chịu khó” cách tân. Nhưng dù cách tân cách gì đi nữa cũng không thể liều lĩnh vô căn cứ, thiếu cơ sở lí luận và thực tiễn sáng tác. Tôi thường xuyên sáng tác trong trăn trở, vật vã với chữ nghĩa, hình ảnh và nhạc điệu, kết cấu và tứ thơ. Thơ phải thể hiện chất trí tuệ – cảm xúc đến mức mình có thể đạt được với nỗ lực không nguôi. Thơ không thể trống rỗng, chỉ chú tâm lập dị cho mới, lạ mà không đẹp. Đấy chỉ là tự định hướng cho bản thân. Vấn đề là tác phẩm đã in chứ không phải là hoài bão sáng tạo.

3. Anh đánh giá gì về thơ tình yêu trước sự “lạm phát” thơ tình hiện nay?

- Tình yêu nam nữ là vấn đề lớn bên cạnh những vấn đề lớn khác. Trong văn học thế giới và ở nước ta, có nhiều tác phẩm thể hiện những vấn đề rất lớn của con người và của các dân tộc theo từng thời đại thông qua tình yêu đôi lứa. Theo tôi nghĩ, vấn đề là các nhà thơ làm thơ tình có tránh né các vấn đề xã hội khác hay không. Ai cũng muốn có một nền thơ vững chắc. Vâng, rất cần có nhiều thơ chan chứa tình cảm và trí tuệ công dân bên cạnh nhiều tác phẩm thơ viết về nhiều đề tài khác, trong đó có thơ tình yêu nam nữ.

4. Theo anh nghĩ, giữa thơ và văn, cái nào khó hơn?

- Cái khó của văn, của thơ nói chung về loại và nói riêng về thể, là không giống nhau. Sự khó nhọc, xét về cường độ lao động và thời lượng lao động để hình thành mỗi đơn vị tác phẩm hoàn chỉnh, thì có thể so sánh được. Làm tiểu thuyết thơ cực nhọc hơn viết tiểu thuyết văn xuôi , nếu có độ dày bề rộng như nhau. Thơ cần lao động trên từng chữ, từng vần một. Thơ trữ tình, có khi chỉ hai câu (bản thân tôi có những bài, mỗi bài chỉ vỏn vẹn tám âm tiết – tám chữ, ngắt làm bốn dòng), tưởng buột miệng là thành, cũng phải vất vả ghê gớm. Tôi nghĩ đến sức chứa, độ nén của các linh kiện điện tử hiện nay. Vấn đề là ở đó. Mỗi bài thơ lại là một chỉnh thể đơn nhất. Vả lại, ở đây không phải là sự khó làm hay khó nhọc mà là ở sự khó thành công. Với văn, thành công cũng khó như thành công về thơ.

5. Vậy anh nghĩ gì về sự phát triển “ồ ạt” của thơ hiện nay?

- Sau sự “ồ ạt” như một tất nhiên, sẽ đi đến trạng thái trầm tĩnh hơn và chắc chắn sẽ có chất lượng hơn. Không có gì hư vô, vì ngay cả thể nghiệm cách tân hoặc phục cổ, dẫu thất bại thì vẫn là thất bại có ích. Phát triển rầm rộ nhưng hướng thiện thì có chi đáng ngại.

6. Theo anh thơ cách tân của một số người có gì đáng chú ý?

- Đổi mới thi pháp là mối bận tâm chung. Có một số người đã hình thành được giọng thơ riêng, nhưng do những nhà thơ ấy bảng lảng, mơ hồ, bàng bạc và có lẽ hơi rối rắm như tơ trời trong thơ họ, nên đọc chỉ cảm chứ chẳng nhận được gì nhiều. Có một số người cố tình tạo nên sự trúc trắc trục trặc trong nhịp điệu và thể hiện một cái nhìn mới về các sự vật vốn khó nên thơ. Cái nhìn ấy rất quý. Sự trúc trắc cần thiết cũng phải là một dạng hài thanh chăng?

7. Vậy theo anh, để có một bài thơ hay cần có những điều kiện gì?

- Để có thơ hay, phải hết mình, hết mình học, hết mình sống, hết mình viết. Tất nhiên cũng phải có năng khiếu, và nhờ hết mình, trở thành tài năng. Để có một bài thơ hay, hiểu như đỉnh cao của một đời thơ, ngoài những nỗ lực hết mình, chút năng khiếu tiền đề, cũng còn cần không khí thoáng đãng của xã hội.

8. Hướng tới tương lai, anh nghĩ gì về thơ?

- Mỗi nhà thơ phải tư nỗ lực là điều không cần phải nói. Quan trọng là nhu cầu và thái độ của xã hội đối với thơ.
Thơ là tinh túy của tiếng mẹ đẻ. Dù trong tương lai có học quốc tế ngữ trên toàn thế giới (không phải ngôn ngữ của bất kì nước nào, dân tộc nào) thì cũng phải học tiếng mẹ đẻ. Thơ còn là một dạng nhu cầu đầu tiên, sâu thẳm và bền vững của loài người từ khi có ngôn ngữ.
Ước chi nghệ thuật ngâm thơ và đọc diễn cảm thơ cần được phát huy hơn nữa với các giáo cụ trực quan (băng, đĩa) để nhu cầu thơ cần bằng với nhu cầu nhạc trong xã hội (ở các quán cà phê, ở các tụ điểm văn nghệ).
Chẳng lẽ nghệ sĩ ngôn từ đang viết chỉ cho mình và chỉ cho những người cùng nghiệp?

14.5.1997.
(trích trong cuốn
"Trò chuyện với văn nghệ sĩ"
của nhà thơ LÊ HOÀNG ANH,
Nxb. Thanh Niên, 2000, tr. 19 - 22).




THƠ NHỮNG MÙA HƯƠNG
tập thơ thứ chín
TRẦN XUÂN AN

Mục lục

- Trang đề tặng những trái tim cõi người, những nàng hương hình như không có thật. 6.
- Phần một: Thơ dâng Tình Yêu. Và yêu em như đất trời. 7.
- Thơ ngỏ. 8.
1. Hương, người mẫu của tranh bằng chữ. 9.
2. Cùng Quảng Trị dạo chơi ba mươi sáu phố phường. 11.
3. Một quãng Thái Hà. 13.
4. Chén trăng ngọt. 15.
5. Tam Kỳ, 1996. 17.
6. Mưa chiều, hẹn với mùi hương lan đất. 18.
7. Lời cây phố thị. 20.
8. Với cô gái hoa chưng rượu cất. 21.
9. Cát trắng đất nâu. 22.
10. Bốn nhánh hoa sinh nhật. 24.
11. Thoáng chiều hôm đường Thanh Niên. 27.
12. Tam Kỳ, đường đê vàng hoa sưa. 30.
13. Xin sợ hãi niềm cay chua. 32.
14. Buồn cười với những sợi tóc râu màu khói. 34.
15. Viết sau tấm ảnh Hồ Gươm. 36.
16. Tản bộ qua cầu Chương Dương. 38.
17. & 18. Những làn hương. 40.
17. Hương và một thời. 40.
18. Hương xanh. 40.
19. Phượng của hai người. 41.
20. Đến với những ngày tháng trong lành. 42.
21. Chiều ghé thăm Bài thơ Đông Hà. 43.
22. Mẹ là cõi đời. 45.
23. Hương phố cũ. 47.
24. Rất Tết, mùa trẻ thơ. 48.
25. Có phải kẻ làm thơ tình ngớ ngẩn. 50.
- Phần hai: Những tình thơ thuở đó. 51.
- Thưa ngỏ về một mùa hương thơ cũ. 52.
26. Tháng ngày. 53.
27. Mưa cao nguyên. 54.
28. Nghe không, người tình nhỏ bên kia Hải Vân đã xa. 56.
29. Sao tím. 57.
30. Thu Thành Nội. 58.
31. Mưa thu. 59.
32. Tình mưa. 60.
33. Lá và sông. 61.
34. Thu ngoan. 62.
35. Thơ xa người. 64.
36. Chuyến tàu mùa thu. 65.
37. Phượng mùa thu Đại Nội. 66.
- Phụ lục: Những kỉ niệm văn nghệ. 68.
1. Phạm Chu Sa (báo Thanh Niên chủ nhật, số ngày 25.08.1996). 69.
2. Nguyễn Đông Nhật (báo Doanh Nghiệp, số ngày 21. 08. 1996). 69.
3. Võ Văn Luyến (báo Quảng Trị, số ngày 13.05. 1997). 71.
4. Trần Nhật Thu (tuần báo Văn Nghệ TP. HCM., số 37 – 98, 15 – 21.10.1998). 74.
5. Trò chuyện với nhà thơ Lê Hoàng Anh (phỏng vấn và trả lời, trích trong cuốn Trò chuyện với văn nghệ sĩ, Nxb. TN., 2000). 75.
- Mục lục. 80.
- Ba bài thơ ngoài tập. 83.
- Danh mục sách của tác giả. 92.




Ba bài thơ ngoài tập:
kỉ niệm Hà Nội


VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN
BÔNG ĐÙA BÊN HỒ HOÀN KIẾM

hồ toả khói mờ, trời xuống mây mơ
ngàn cánh nắng mai đậu trên Thê Húc 1
em là trăng, nên ngày không còn thực
rất hoa đào, thắp ấm một hừng đông

ngỡ em quan họ tung lụa cầu vồng
hay từ tay áo nâu sồng màu đất
lược cài tuổi thơ tươi non em cất
tự tiền kiếp nào, hoá Thê Húc xinh

em, con ngỗng trời huyền sử lung linh
bỗng bay bên vai, trắng ngần Hà Nội
tôi mặc áo the, đội khăn, tóc bối
guốc mộc nước qua, ngắm truyền thuyết xưa

lẫy nỏ Rùa Vàng tên bắn như mưa
triệu tia mặt trời gãy trong làn nước …
khi chụp ảnh với Thánh Trần, mắt ngước 2
thấy gươm thần thành Tháp Bút, ngút trời

thi sĩ bông lơn đồng bóng giữa đời
nhặt lá bồ đề, ép tim vào sách
nửa thành Đài Nghiên – cái tâm hoá thạch
nửa hoá rùa vàng – chút tình thành kinh

yêu các em như trời đất, thất tình
đáng đời chăng, kẻ chỉ mê tín sắc
ơi ni cô đẹp nét không thơ Phật
ơi trăng ơi đào, ngỗng trời yêu ơi …

Hà Nội, 02.03.1997
Tp. HCM., 12.03.1997.

1. Thê Húc: nắng ban mai đậu lại.
2. Đền thờ Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần) vốn được xây dựng ngay trong chùa Ngọc Sơn.



NGẪM KHỔ ĐẾ 1,
TẢN MẠN NIỀM VIỄN TƯỞNG
QUANH CHÙA MỘT CỘT

ni cô cùng anh rong chơi
thăm chùa xưa – đoá sen đời sắc nâu
vuông hồ gói cả trời sâu
hay khăn lụa biếc óng màu chép kinh?
đọc từng hoa súng, giật mình
chùa này, bóng ảo của xinh xắn này?

nâu sồng ơi, nghìn xưa đây
khói hương là thoáng sương bay hương đồng

cửa không, thơ không hư không
dáng chùa, ngọn đuốc toả hồng lửa thiêng

nhớ xưa, một nụ hôn thiền
ấm phương Nam ngưỡng vọng miền tâm linh

hoa súng ơi, anh đa tình
nhìn đâu cũng thấy lung linh hoa đầy

ngỡ bừng đuốc tuệ đêm ngày
thôi hiểu nhầm Quả đất này: trần gian
địa ngục? Cũng thành niết bàn
khi hai tay khoẻ tưởng ngàn cánh tay
cõi người viễn tưởng, hồn chay
với Tự nhiên, ta hết dày vò ta

cùng ni cô giữa ta bà
tâm đau khổ đế, la đà buồn ai …

tự thưa, tên kẻ khổ sai:
một mái nhà và chẳng hai bạn tình 2

cô em ni cô hát kinh …
quanh chùa Một Cột gặp mình đang bay

phật đày thương chăng phàm đày? 3
hạnh bồ tát tu trong cay đắng đời

người bóc người, đỏ mồ hôi
tình lột tình, gió tình ơi, héo tình!
vấp chân ngọn cỏ sơ sinh
giẫm dăm chú kiến, giật mình. Cứ đi!
về thôi, bông súng từ bi
anh còn cày ruộng xanh rì trang thơ

địa ngục ư? Yêu ngẩn ngơ
lúa thơm vào áo, gạo no tâm hồn

cõi người viễn tưởng, yêu hơn
cũng là Quả đất đầy tròn dưới chân

mộng mơ thơ biếc bạt ngàn
nai nhà rộng trảng, ngựa hoang quên rừng

vẽ vời cùng cô em cưng
nông trang chùa dựng nâu cùng áo em

búp tim mở một cánh mềm
dáng chùa hoa súng ngày đêm một người
mặn mà mắt mặn môi tươi
phật yêu dấu là tiếng cười anh thương
chùa trong anh đi muôn đường
chùa em, hoài ghé nghe chuông, xanh đời.

Hà Nội, 03.03.1997
Tp. HCM., 13.03.1997.

1. Khổ đế (một trong tứ diệu đế Phật giáo): chân lí về khổ đau; khổ đau là có thật. Tập khổ đế:nguyên nhân khổ đau, trong đó có tham vọng tư hữu…
2. An, theo chữ Hán, tượng hình: một người nữ dưới một mái nhà.
3. Phật (buddha), chữ Phạn: người giác ngộ chân lí ngay trong đời sống, dù là đời sống phàm tục. Bất kì ai cũng có thể là Phật.




VU VƠ CHIỀU VĂN MIẾU,
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGHÌN XƯA

Thiên hà ngôn tai!
(Trời có nói gì đâu!).

Khổng Tử


1.

cô nàng mặc áo tứ thân
từ nghìn xưa đến hát gần bên tôi
điện thờ, thầy Khổng sững ngồi
nhập thân tình tứ chọn lời Kinh Thi? 1

thưa em, duyên yêu là chi
râu nghiêm bạc, úa tim si thánh hiền

đâu vô danh vô vi thiền
đây bia chất xám, niềm riêng chói trời
giọng ca như rượu chuốc mời
em quan họ khảm vào đời ảnh em!

2.

tôi quỳ bên vuông cỏ mềm
chớp phim bè bạn, gió thêm rối bời
soi tôi xuống nước, nhìn tôi
mỗi bọt chữ, mỗi lả lơi ỡm ờ!

vì đời, thầy Khổng tìm thơ
ngọt nồng em hát thực mơ, dâng đời

tiếng thơm, thơm cho nơi nơi …
(vẫn thương kính Lão tuyệt vời, quên danh
Gióng vô danh hoá Trời Xanh 2
nghìn sau nhang khói vờn quanh tâm hình!)

3.

rùa thiêng, biểu tượng thần linh?
bia tên tuổi trĩu dân mình, bước lê?
lưng rùa, dựng sách tỉnh – mê
mê, bành trướng, mê, a ê bao đời! 3

(như Thánh Kinh vút trùng khơi
da dê mục chữ nhầm lời, buồn không!)

một thẻ tre cách điệu xong
mai rùa một mảnh – mênh mông: bia ngời …
“đàn bà khó dạy” (?!) ấy ơi 4
tôi nhạt đạo, ngoại đạo rồi, thưa em

4.

tháng giêng Văn Miếu, bên thềm
ngắm nàng đàn trong êm đềm chiều xanh …
thầy Chu An ngát hương thành …
yêu là Đạo! Tôi tập tành trăm năm

ngài ơi, công nghệ lú câm
giàu nhân nghĩa sao âm thầm rạ rơm?

cái danh cái lợi – cái hòm?
cái tình, và cái lom khom rạp mình!
… tâm linh – ơn dựng miếu đình
tâm hồn, ngài hỡi – môi xinh í ời

5.

tôi về gò Đống Đa thôi
thắng Tàu, bởi học, vượt lời Tàu xưa!

Hà Nội, 02.03.1997
Tp. HCM., 14.03.1997.

1. Ở đây, chỉ chú trọng mảng đề tài lớn nhất trong Kinh Thi: yêu đương (phần Quốc phong).
2. Lão:ông già. Gióng (tên làng); Thánh Gióng là biểu tượng Chiến sĩ Vô danh.
3. Phần hạn chế trong kinh Thi(chủ yếu trong Tiểu nhã, đại nhã, Tụng). Kinh Thi chỉ là một trong chín pho sách kinh điển của Khổng giáo. Cả chín pho đều bị mất mát ít nhiều, lại bị lắp ghép, xuyên tạc, thêm bớt.
4. Quan điểm của Khổng Tử về phụ nữ.




DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)

Trần Xuân An
sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
dân tộc: Kinh (Việt Nam);
quê gốc: Quảng Trị;
tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt, Đại học Sư phạm Huế
(khóa 1974 – 1978);
dạy phổ thông trung học ở Lâm Đồng (1978 – 1983);
hiện chuyên sáng tác, nghiên cứu tại TP. HCM.
(hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.)

Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:

1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm

Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:

13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm

Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:

17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm

Tặng thưởng, giải thưởng:

1. Báo Văn nghệ giải phóng, 1975.
2. Giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.


TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI TRUY CẬP THÊM
CÁC ĐỊA CHỈ WEBs / BLOGs
(bấm vào các đường LINKs CẬP NHẬT sau đây):

I. THƠ : _________________________
________________________________________________

http://tranxuananthitap9.
blogspot.com/

http://tranxuanantthitap4.
blogspot.com/

http://tranxuananthitap3.
blogspot.com/

http://tranxuananthitap6.
blogspot.com/

http://tranxuanantthitap9.
blogspot.com/

http://tranxuananthitap2.
blogspot.com/

http://tranxuanantruongca
tho7.blogspot.com/

http://tranxuananthitap5.
blogspot.com/

http://tranxuanantthitap1.
blogspot.com/


II. TIỂU THUYẾT : _________________
________________________________________________

http://tranxuananngoitruong
thgieng.blogspot.com/

http://tranxuanansendobth
hbinh.blogspot.com/

http://tranxuanancmn
lamaixanh.blogspot.com/

http://tranxuanancmn
lamaix2.blogspot.com/


III. PHÊ BÌNH – TIỂU LUẬN : ________
________________________________________________

http://tacphamtranxuanan
giaodiem.blogspot.com/

http://tranxuanantieuluan.
blogspot.com/

http://tranxuanantieuluan
9b.blogspot.com/

http://tranxuananbinhtho.
blogspot.com/


IV. TRUYỆN – SỬ KÍ –
KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ :
____________
________________________________________________

http://tranxuananpcdtnvt1a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt2a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt2b.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt3a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt3b.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt4a.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt4b.
blogspot.com/

http://tranxuananpcdtnvt4c.
blogspot.com/


http://tranxuanan-
trphu.blogspot.com/




HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
VIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
ĐỂ TỪ NHỮNG ĐƯỜNG LINKs TẠI ĐÓ,
ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.


NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN
CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(xin bấm vào các đường LINKs sau đây):

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/505_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/605_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/705_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/805_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/905_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1005_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_index.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1205_index.htm


http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_txa-ky-content.htm



Trân trọng và cảm ơn.
Tác giả,
Trần Xuân An



GHI CHÚ ĐỂ KỈ NIỆM:

CUỐN SÁCH THỨ HAI TÁC GIẢ TỰ XẾP CHỮ, DÀN TRANG,
TRÌNH BÀY TRÊN MÁY VI TÍNH TẠI NHÀ.

KHỞI CÔNG VÀ HOÀN TẤT:
TỪ 07 ĐẾN 09 THÁNG 5, NHÂM NGỌ, NĂM THỨ 2
CÔNG NGUYÊN HOÀ BÌNH
(17 – 19 THÁNG 6.2002).


GHI CHÚ THEO THỦ TỤC:

TÁC GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN TỪNG CHỮ, TỪNG Ý TƯỞNG CỦA MÌNH.
TRÂN TRỌNG
VÀ THÀNH THẬT BIẾT ƠN.




THƠ NHỮNG MÙA HƯƠNG
tập thơ thứ chín
của TRẦN XUÂN AN

3 Comments:

  • At 11:03 PM, Blogger Customersupport said…

    Is your Binance account got hacked in Binance? Hacking issues are fine-tuned and should be well-taken care of because as they can produce the huge jumble in your account. In order to resolve all the queries, you can dial Binance Customer Service Number 1800-665-6722 and speak to the executives who are always there to guide you. You can contact them around the clock and don’t have to worry about the issues as they will be covered in a fraction of time with their deserving services.

     
  • At 10:56 AM, Blogger Blockchain Customer Service 24*7 Help said…

    Blockchain has many attracting features, but one feature which gives the assurance to the users is security features. They have the best security and privacy features among all the other cryptocurrency competitors. If you face any problem in your Blockchain account related to Security or you wa0nt to know more features of security options, you just dial Blockchain helpline Number +1 (800) 861-8259 and get connected to Blockchain Customer service team.

     
  • At 11:45 AM, Blogger Blockchain Customer Service 24*7 Help said…

    Hey users! Do you intend to change your receiving as well as sending crypto currency address but to less knowledge you are unsure of doing this. Well, in such scenarios, taking help from the authorized experts is right. The experts are operating every minute and hour for assistance. You can associate with them by calling on Binance Support Phone Number +1 (800) 861-8259 . The experts will tell you best-fitted solution for your query. You can get in touch with the experts anytime from any corner of the world.

     

Post a Comment

<< Home